Trang chủ»Tin tức»Tin thị trường
Hướng đi cho thị trường thép Việt Nam năm 2014

Mất cân đối giữa cung và cầu

Theo như Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, trong tháng 1, vì lí do tiêu thụ chậm nên các doanh nghiệp ngành thép chỉ sản xuất 319.975 tấn, giảm 29,14% so với tháng trước và giảm 5,26% so với cùng kỳ. Thậm chí có một số nhà máy thép đã phải nghỉ sản xuất để tiết kiệm chi phí. Tính đến ngày 31-1, lượng thép xây dựng tồn kho ở các DN lên tới 436.748 tấn, con số này khá cao so với dự định ban đầu.

Tháng 2, tình hình chưa có gì thay đổi, các đơn vị ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục gặp khó.

Thép nhập khẩu từ Trung Quốc gây khó khăn

Theo tình hình hiện tại, doanh nghiệp ngành thép đang phát triển không đồng đều. Trong khi thép xây dựng sản xuất trong nước vẫn đang dư thừa thì thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đang được các doanh nghiệp thương mại nhập vào với giá rẻ hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành thép lâm vào thể khó.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen, phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, ông Lê Phước Vũ cho hay, nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn của ngành thép Việt Nam đến từ sản lượng thép còn cao, tồn kho còn lớn. Ngoài ra do sức hút về lợi nhuận nên các dự án của doanh nghiệp ngành thép không tuân theo quy hoạch. Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia có số lượng lớn nhất các dự án thép mới trong khu vực ASEAN, với hơn 30 dự án sản xuất thép của các tập đoàn trong nước và thế giới (theo thống kê của Viện Gang thép Đông Nam Á (Seaisi)), khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng quyết liệt.

Chính vì thế mà mới đây, để ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ kém chất lượng tràn lan trên thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho doanh nghiệp ngành thép, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN. Theo đó, kể từ ngày 1/6/2014, các nhà nhập khẩu thép trong nước sẽ phải công bố tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thép nhập khẩu. Căn cứ vào các tiêu chuẩn, các lô hàng sẽ phải đảm bảo được chất lượng theo các tiêu chuẩn nếu như muốn nhập khẩu vào Việt Nam. Còn đối với sản phẩm thép trong nước, các quy chuẩn khác nhau sẽ được áp dụng cho những sản phẩm thép khác nhau và các nhà sản xuất thép trong nước sẽ phải áp dụng quy chuẩn thép quốc gia này. Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.

Cần phải có chiến lược

Nhận định về thị trường thép trong năm 2014, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Việt cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm về thép có thể tăng, nhưng thép xây dựng khó tăng, nguyên do là sức phục hồi của thị trường bất động sản vẫn còn yếu. Các nhà máy sản xuất thép xây dựng hiện nay đa phần chỉ duy trì sản xuất, cầm cự qua thời gian khó.

Trong khi đó, tại tập đoàn Tôn Hoa Sen vẫn đạt lợi nhuân cao và phát triển bền vững, nhờ có chiến lược dự trữ nguồn nguyên liệu, đối phó với việc giá nguyên liệu biến động mạnh và những quyết định táo bạo trong đầu tư dây chuyền sản xuất (hiện chi phí sản xuất ngành mạ của Tập đoàn Hoa Sen là thấp nhất thế giới, chất lượng cao) nên Tập đoàn vẫn đạt lợi nhuận cao. Trong khi các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam vẫn còn đang loay hoay tìm phương hướng.

Ông Lê Phước Vũ cho hay, trong năm 2014, Tập đoàn Hoa Sen phấn đấu tăng tỷ trọng xuất khẩu lên 40 – 50% tổng doanh thu; thành lập thêm từ 15 – 20 chi nhánh phân phối bán lẻ; phát triển thương hiệu thân thiện với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen sẽ tái cơ cấu các công ty con nhằm chuyên môn hóa hoạt động theo chiến lược tập trung phát triển các ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn trong thời gian tới là tôn – thép – nhựa. Đồng thời, tiếp tục thanh lý tài sản là những dự án đầu tư dở dang không còn phù hợp với định hướng phát triển của tập đoàn như cảng biển, bất động sản để đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong năm 2014.

Nhận định về doanh nghiệp ngành thép trong năm 2014, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, doanh nghiệp ngành thép muốn tiếp tục tồn tại thì cần phải cơ cấu lại ngành thép theo hướng tập trung sản xuất những mặt hàng trong nước còn thiếu, như thép tấm lá, thép chế tạo… thay vì ồ ạt sản xuất những mặt hàng đã vượt xa nhu cầu. Đây là hướng phát triển ngành thép lâu dài. Bởi vì sự bảo hộ thép trong nước bằng chính sách thuế quan sẽ dần giảm bớt, đến khi hàng rào này chính thức được gỡ bỏ, nếu DN không đủ mạnh để cạnh tranh, đó là lúc ngành thép lâm vào tình cảnh khó khăn nhất.

(Theo báo hải quan)

 

 

--%>